Thời cơ mới cho phát triển vật tư, thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước Việt Nam

thoi-co-moi-cho-phat-trien-vat-tu-thiet-bi-chuyen-nganh-cap-thoat-nuoc-viet-nam
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng cộng đồng cấp thoát nước Việt Nam đã có truyền thống đoàn kết, hữu ái, biết chia sẻ nhường nhịn, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, trong thời cơ mới sẽ cùng nhau góp công, góp sức, góp trí tuệ để hướng tới hình thành một nền công nghiệp vật tư thiết bị chuyên ngành nước của Việt Nam trong một tương lai không xa.
  
Triển lãm VietWater là một trong những hoạt động thường niên quan trọng nhằm giới thiệu các sản phẩm vật tư thiết bị ngành cấp thoát nước trong và ngoài nước.

 THÀNH QUẢ 20 NĂM PHÁT TRIỂN

Lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam, kể từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa đến nay đã có sự tăng trưởng đáng kể. Chỉ trong 20 năm gần đây, cùng với việc phát triển kinh tế, phát triển đô thị, nhà nước và các địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống. Công suất cấp nước đô thị đã tăng gần gấp đôi, từ hơn 3triệu m3 ngày/ đêm đã tăng lên 6,4 triệu m3 ngày/đêm vào năm 2012. Độ bao phủ cấp nước từ 60% vào đầu những năm 90 đã tăng gần 80% (2012), đặc biệt tỷ lệ thất thoát giảm nhiều trong những năm gần đây, hệ thống quản lý điều hành được chú trọng ngày càng hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thoát nước cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều đô thị đã có hệ thống xử lý nước thải. Nếu tính cả cấp nước nông thôn và các khu công nghiệp thì lượng vốn đầu tư vào quá trình xây dựng mới và vận hành các hệ thống cấp thoát nước của toàn quốc trong 20 năm gần đây, mỗi năm cũng không dưới 15 ngàn tỷ VND.

     Nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực cấp thoát nước phát triển đồng bộ với nền kinh tế và tốc độ phát triển đô thị, Nhà nước và các địa phương đã ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước. Chủ trương đó, không những giải quyết được khó khăn về nhu cầu tài chính mà còn tạo điều kiện cho chuyên ngành cấp thoát nước nhanh chóng tiếp cận với công nghệ hiện đại tiên tiến của thế giới. Hạ tầng kỹ thuật đáp ứng sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư từ nước ngoài, tạo tiền đề cơ bản cho các ngành sản xuất khác phát triển và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

       Quá trình sử dụng nguồn vốn ODA, cho đầu tư phát triển lĩnh vực cấp thoát nước, chúng ta phải tuân theo những yêu cầu khắt khe về thiết kế, tư vấn, xây dựng và đặc biệt về chất lượng, tiêu chuẩn của vật tư, thiết bị chuyên ngành. Trước những năm 2000, vật tư thiết bị chuyên ngành sản xuất trong nước - ngoại trừ ống bê tông cho thoát nước - hầu như không có sản phẩm nào đáp ứng tiêu chuẩn trong các gói thầu quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước để tồn tại chỉ còn cách liên doanh liên kết hoặc làm thầu phụ cho các công ty tư vấn, xây dựng của nước ngoài. Vật tư thiết bị chuyên ngành như ống gang, ống thép, ống nhựa, máy bơm, thiết bị lắng lọc, khử trùng, thiết bị điều khiển, thiết bị đo đếm …hoàn toàn phải nhập khẩu.

     Trước tình hình đó, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, cùng với những chiến lược, định hướng phát triển, cơ chế chính sách ngành nước và vệ sinh môi trường. Đặc biệt vào đầu năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị quốc gia đến năm 2020 (Số 63/1998/QĐ-Ttg ngày 18-3-1999) đã đề ra mục tiêu lâu dài bao gồm cả việc “Phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ mới thông qua chuyển giao công nghệ, từng bước hiện đại hóa hệ thống cấp nước trong các đô thị”, “đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất, thiết bị, vật tư, phụ tùng trong nước với chất lượng cao được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận”. Quyết định của Thủ tướng cũng đã đề ra giải pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược là “Hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị; áp dụng công nghệ thích hợp, phổ biến ở nhiều địa phương, gắn liền với thực trạng các công trình đã có nhằm cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp nước để đáp ứng yêu cầu cấp bách, tận dụng được trang thiết bị, vật tư trong nước, giảm giá thành đầu tư… Công nghệ và thiết bị trong các hệ thống cấp nước cần đồng bộ, thống nhất để chủ động trong việc thay thế phụ tùng…

      Được sự quan tâm của nhà nước cùng với một loạt những chính sách mở cửa tạo điều kiện cho một nền kinh tế hội nhập, đã như một luồng gió mới vừa có tác dụng thu hút nguồn vốn vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyên ngành nước của Việt Nam học hỏi, tiếp thu công nghệ mới từ các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, các công ty đầu đàn trong sản xuất vật tư, thiết bị, phụ tùng chuyên ngành nước như Nhựa Tiền Phong, Bình Minh, Đạt Hòa, Tân Tiến, Đúc Tân Long, Mai Động, liên doanh Whashin, van Minh Hòa, bê tông Hùng Vương … và một số cơ sở sản xuất khác đã đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ và sản xuất các sản phẩm như ống nhựa, ống gang dẻo, ống bê tông cho thoát nước, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng tương đương với các sản phẩm xuất xứ từ các nước trong khu vực châu Á. Nhiều sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn đấu thầu quốc tế với giá thành thấp hơn, góp phần giảm nhập khẩu. Khả năng sản xuất trong nước hiện nay có thể đáp ứng khoảng 80% các loại ống truyền dẫn và ống phân phối, van vòi có đường kính dưới 200 bằng kim loại không rỉ trong hệ thống cấp thoát nước. Với các sản phẩm vẫn còn phải nhập khẩu, các công ty kinh doanh thiết bị, vật tư ngành nước đã tìm tòi, khai thác các thị trường khác nhau để tìm ra các sản phẩm chuyên ngành vừa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, vừa có giá cả tương ứng theo từng loại chất liệu với chế độ bảo hành cởi mở đã mở rộng tầm nhìn và đa dạng hóa trong chọn lựa để đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống.

     Tại các công ty cấp thoát nước của các tỉnh, thành phố, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ cũng được chú trọng hơn trong những năm gần đây. Xuất phát từ đòi hỏi của sản xuất - kinh doanh, bằng nguồn kinh phí của mình, các công ty đã triển khai những đề tài cải tiến công nghệ, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công tác quản lý vận hành chống thất thoát nước, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Công tác khoa học được các công ty đặc biệt quan tâm, coi đây là thước đo, là động lực mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cho công ty. Đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này có khá nhiều đơn vị, nhưng điển hình hơn cả phải kể đến các công ty cấp nước các tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nha Trang, Thừa Thiên – Huế, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và các công ty lớn như SAWACO, Nước sạch Hà Nội…trong lĩnh vực Thoát nước điển hình có Công ty Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, Thoát nước Sài Gòn, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thoát nước Hà Nội và Hải Phòng… Nhiều công ty không chỉ ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn tìm tòi phát minh nhiều sản phẩm mới, được cấp bằng Sáng tạo, giành giải thưởng trong nước và quốc tế như Công ty thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Nhựa Tiền Phong. Tập thể và cá nhân được tôn vinh Doanh nhân văn hóa, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như Tổng giám đốc BUSADCO Hoàng Đức Thảo. Những đóng góp từ các công ty cấp thoát nước các tỉnh, thành phố trong nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ và chế tạo sản phẩm đã góp phần làm cho lĩnh vực vật tư, thiết bị chuyên ngành nước thêm phong phú, tiên tiến hơn, khoa học hơn tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững.

 THỜI CƠ MỚI CHO PHÁT TRIỂN

VẬT TƯ - THIẾT BỊ CHUYÊN NGÀNH CẤP THOÁT NƯỚC

  Hai mươi năm vừa qua, có thể nói chuyên ngành cấp thoát nước nói chung và lĩnh vực vật tư thiết bị ngành nước nói riêng đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng. Mặc dù khó khăn còn lớn, giá cả dịch vụ cấp thoát nước tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, nhưng tất cả vẫn đang ngày đêm sản xuất cung cấp dịch vụ với tinh thần trách nhiệm cao để góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đạt được kết quả đó, trước hết là sự nhìn nhận và quyết sách đúng đắn trong chủ trương phát triển chuyên ngành của Đảng, Nhà nước, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế và chăm lo đời sống của nhân dân. đã tạo điều kiện về thể chế, chính sách, nguồn vốn hướng đi cho từng thời kỳ. Là sự nỗ lực của công nhân viên các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tận tụy trong công việc. Là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo các công ty cấp thoát nước nhận thấy nhu cầu cấp thiết của ngành là phải nâng cao chất lượng, công nghệ và sự đồng bộ trong từng dòng sản phẩm. Cùng không thể không kể đến vai trò tập hợp, đoàn kết của Hội Cấp thoát nước Việt Nam nói chung và các Chi hội cấp thoát nước khu vực trong việc tổ chức, các hoạt động mang tính xã hội - nghề nghiệp để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức về sản phẩm, công nghệ. Chúng ta cũng không thể không nói đến sự giúp đỡ hiệu quả tận tình của các tổ chức quốc tế, của anh em bè bạn trong nước và quốc tế.

     Quan trọng nhất trong kết quả đạt được là các đơn vị trong chuyên ngành cấp thoát nước đã trưởng thành về nhận thức, tích lũy được kinh nghiệm, hiểu biết sâu hơn về công nghệ, chú trọng khoa học, kỹ thuật và quan trọng không kém là biết khai thác học hỏi ngay từ bạn bè, đồng nghiệp trong cộng đồng chuyên ngành để cùng phát triển.

      Tuy vậy, những kết quả chuyên ngành đạt được vẫn chưa vững chắc, chưa tương xứng với một nhu cầu phát triển không kém những năm vừa qua về số lượng nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao hơn, công nghệ tiên tiến hơn. Bên cạnh đó cũng xuất hiện quá nhiều yếu tố không mấy thuận lợi.

      Theo dự báo, trong những năm tới, tốc độ phát triển đô thị vẫn ở mức cao. Dân số đô thị đến 2020 khả năng đạt hơn 45% dân số cả nước, bình quân mỗi năm tăng 1 triệu người. Cùng với tốc độ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ thì yêu cầu cho đầu tư phát triển lĩnh vực cấp thoát nước để đáp ứng nhu cầu sẽ không kém gì so với mức đầu tư giai đoạn vừa qua.

       Năm 1999, Chính phủ đã phê duyệt Định hướng phát triển cho lĩnh vực cấp thoát nước đô thị và khu công nghiệp với tầm nhìn đến 2020 (20 năm), nhưng chỉ 10 năm sau, những mục tiêu đề ra đã có nhiều điểm không còn phù hợp, nên năm 2009, trong cùng một thời điểm Chính phủ đã cho ban hành Định hướng phát triển mới cho lĩnh vực cấp, thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 (40 năm), nhiều mục tiêu được xác định lại, đặc biệt trong việc phát triển vật tư, thiết bị chuyên ngành cho cấp thoát nước được định hướng rất rõ như sau:

  Về nghiên cứu và phát triển công nghệ, vật tư và thiết bị lĩnh vực cấp nước(*)

- Các nhà máy mới xây dựng cần lựa chọn công nghệ và thiết bị hiện đại, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng.

- Từng bước cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị cho các nhà máy hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thất thoát nước, giảm chi phí về năng lượng, hóa chất và vận hành.

- Nghiên cứu, tổ chức sản xuất vật tư, thiết bị trong nước có chất lượng cao, đến năm 2025 có khả năng cung cấp đầy đủ các chủng loại vật tư, thiết bị ngành nước. Trong công trình đầu tư xây dựng mới, khuyến khích sử dụng các vật tư, thiết bị có chất lượng cao được sản xuất trong nước.

- Ưu tiên nghiên cứu sản xuất các thiết bị sử dụng nước tiết kiệm và tiết kiệm năng lượng.

Về Phát triển công nghệ, vật tư thiết bị lĩnh vực thoát nước(**)

- Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, năng lực đầu tư và tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai. Nghiên cứu và tiến tới làm chủ công nghệ xử lý nước thải tiên tiến.

- Nghiên cứu, tổ chức sản xuất vật tư, thiết bị trong nước có chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu sử dụng; khuyến khích sử dụng các vật tư, thiết bị có chất lượng cao được sản xuất trong nước.

- Nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ xử lý nước thải đơn giản, chi phí vận hành thấp cho khu vực đô thị nhỏ, làng nghề, dân cư ven đô thu nhập thấp.

- Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng sử dụng của từng địa phương.

Từ thực trạng sản xuất, kinh doanh vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước hiện nay so với mục tiêu đề ra trong Định hướng phát triển Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta thấy còn rất nhiều khó khăn, điển hình trên một số vấn đề sau:

- Về vốn đầu tư, những năm tới chủ trương Nhà nước vẫn ưu tiên dành ODA cho phát triển hạ tầng, trong đó có cấp thoát nước. Nhưng nguồn ODA không còn dồi dào và nhiều ưu đãi như thời kỳ trước vì Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách những nước nghèo. Vui vì chúng ta đã thoát khỏi các nước kém phát triển, vui vì vật tư - thiết bị không còn bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ưu đãi. Sản xuất, kinh doanh vật tư - thiết bị trong nước có điều kiện phát triển và cạnh tranh bình đẳng khi tham gia các tổ chức quốc tế (WTO, AFTA...), nhưng cũng lo vì huy động vốn như thế nào, giá cả, chất lượng có thắng nổi hàng nhập ngoại không?!

- Suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp bởi khó khăn về vốn, về thị trường tiêu thụ và mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

- Những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là hiện hữu. Dự báo từ các kết quả nghiên cứu của thế giới và trong nước đều nhận định Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với tác động của nước biển dâng, triều cường và lũ lụt... những biện pháp ứng phó trong lĩnh vực cấp thoát nước như thế nào để hạn chế tác hại là những vấn đề không dễ giải quyết.

- Chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong sản xuất vật tư chuyên ngành như ống các loại, van loại nhỏ, vật tư cho thoát nước... nhưng thiết bị đồng bộ sản xuất trong nước còn quá nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu.

 …và còn nhiều khó khăn khác đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên ngành cấp thoát nước phải có cách nhìn nhận mới, một hướng đi mạnh dạn và quyết tâm.

     Liên tiếp trong bốn năm gần đây, Hội cấp thoát nước Việt Nam đã bảo trợ cho Triển lãm quốc tế và Hội thảo về vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (VIETWATER 2008, 2010, 2011, 2012), Triển lãm đã thu hút mọi đối tượng trong nước và quốc tế, quan tâm đến sự phát triển công nghệ cấp thoát nước, đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản xuất kinh doanh vật tư thiết bị, các nhà khoa học, các trường đào tạo và nhân dân… và điều mà mọi người dễ dàng nhận thấy vật tư - thiết bị chuyên ngành nước ngày càng hoàn hảo hơn về chất lượng, về kiểu dáng, về tiện nghi, về khả năng tiết kiệm năng lượng tối ưu, về sự thân thiện với môi trường và tích hợp được cả những tiến bộ của khoa học về công nghệ thông tin, tự động hóa, sinh hoá, điều khiển từ xa… cho quá trình sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Như vậy, mục tiêu đặt ra cho sản xuất vật tư thiết bị chuyên ngành cấp thoát nước được nêu trong Định hướng của Chính phủ năm 2009 hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và khoa học.

     Để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về tổ chức, nguồn vốn và sự hỗ trợ về thể chế, chính sách của Nhà nước. Nhưng quan trọng hơn là sự dám nghĩ, dám làm với tư duy khoa học đúng đắn. Chúng ta vui mừng vì đã có những điểm sáng trong ứng dụng và phát minh tuy chưa nhiều nhưng đã có kết quả của các doanh nghiệp ngành nhựa, của các công ty cấp, thoát nước, của những trí tuệ quả cảm như BUSADCO, hoặc như những cố gắng trong liên kết khoa học giữa Nghiên cứu - Ứng dụng - Sản xuất để có những sản phẩm đồng bộMade in Vietnam như của VICEN, Nam An, Công ty Cấp nước Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… và nhiều thành quả khác đã hình thành hoặc đang nhen nhóm. Trong bối cảnh ngày nay, chúng ta cũng hoan nghênh các liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp quốc tế để sản xuất vật tư thiết bị chuyên ngành tại Việt Nam, đây có thể là những bước đi nhanh và hiệu quả cho những vật tư thiết bị đã được thị trường chuyên ngành trong nước chấp nhận. Hội Cấp thoát nước Việt Nam với sự đổi mới của Ban Khoa học công nghệ và Đào tạo cùng với việc thành lập Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cũng nhằm hướng tới những hỗ trợ về tri thức cho quá trình phát triển trong sản xuất vật tư thiết bị của các doanh nghiệp.

    Từ những thành quả đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng cộng đồng cấp thoát nước Việt Nam đã có truyền thống đoàn kết, hữu ái, biết chia sẻ nhường nhịn, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, trong thời cơ mới sẽ cùng nhau góp công, góp sức, góp trí tuệ để hướng tới hình thành một nền công nghiệp vật tư thiết bị chuyên ngành nước của Việt Nam trong một tương lai không xa.

                                                                                           

                                                                   Trần Quang Hưng

                                                 PCT - TTK Hội Cấp thoát nước Việt Nam

 

(*) Quyết định 1929 QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009:Phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

(**) Quyết định 1930 QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009: Phê duyệt định hướng phát triển Thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.