Tăng cường hợp tác công - tư trong phát triển kết cấu hạ tầng

tang-cuong-hop-tac-cong-tu-trong-phat-trien-ket-cau-ha-tang
Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thì hợp tác công - tư (PPP) được coi là hình thức đầu tư tối ưu nhất hiện nay và trong tương lai. Song, khung pháp lý và quá trình triển khai PPP trong lĩnh vực này còn bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục.

Tham quan Nhà máy Xử lý nước thải thành phố Bắc Ninh.

Hợp tác công-tư là hình thức Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án mà đôi bên cùng có lợi. Tuy mới đi vào thực hiện trong những năm gần đây, nhưng hợp tác PPP góp phần giải quyết được vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công và các vấn đề về vốn. Tỉnh Bắc Ninh có 13 dự án PPP được đề xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2011 đến 2013, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho hạ tầng nông thôn hơn 1.032 tỷ đồng. Trong đó trường học 486 tỷ đồng; giao thông 403,9 tỷ đồng; chợ nông thôn 100 tỷ đồng; kênh mương 31 tỷ đồng…

Năm 2014, dự kiến tổng số kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là 589,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) hỗ trợ 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 434 tỷ đồng, nguồn vốn vay ưu đãi 50 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động trong cộng đồng dân cư. Do đó, để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nâng cao tính hiệu quả của đầu tư công trong phát triển hạ tầng nông thôn, bên cạnh việc rà soát, kiểm tra và cắt giảm những hạng mục đầu tư kém hiệu quả, cần phải thu hút các thành phần kinh tế tham gia nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng như hoạt động quản lý dự án.

Hợp tác công - tư hiện nay thường gắn với các mô hình BOT (hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), BTO (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - vận hành), BOO (hợp đồng xây dựng - sở hữu - vận hành)… Để thu hút đầu tư tư nhân, tỉnh sử dụng nhiều biện pháp ưu đãi và bảo đảm đầu tư thông qua các ưu đãi về thuế, quyền bảo đảm cung cấp dịch vụ công…

Trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải, tỉnh Bắc Ninh có một số mô hình hợp tác PPP được triển khai, điển hình như Nhà máy nước Lim (2007) với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, áp dụng theo hình thức DBL (thiết kế - xây dựng - thuê vận hành), là mô hình đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; Dự án cấp nước (BOO) thị xã Từ Sơn (2005); Dự án xử lý nước thải (BOT) thị xã Từ Sơn (2013); Nhà máy nước mặt (BT) thành phố Bắc Ninh (2015); Nhà máy nước sông Cầu (BOO) (2014) và rất nhiều dự án có triển vọng trong tương lai.

Ngành y tế có 4 đơn vị thực hiện công tác xã hội hóa với các hình thức huy động cán bộ, công nhân viên đóng góp cổ phần mua máy; sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Nhà nước để liên doanh, liên kết và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Các cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện tiếp cận trang thiết bị hiện đại, giúp người bệnh được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao…

Trong phát triển hạ tầng điện lực, tuy được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng tổng công suất nguồn và đường dây hiện có chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các phụ tải. Theo quy hoạch thì giai đoạn 2010-2015, tỉnh sẽ xây dựng thêm 2 trạm biến áp 220/110/22kV là Bắc Ninh 2 (Từ Sơn) và Bắc Ninh 3 (Yên Phong) cùng các đoạn đường dây đấu nối; đến nay, các công trình này vẫn chưa được khởi công do thiếu vốn. Mặc dù vậy, nhưng các dự án này lại khó đầu tư theo mô hình PPP do các khâu truyền tải và kinh doanh điện năng có những đặc thù riêng.

Có thể thấy, PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, không những mang lại lợi ích cho quốc gia mà cả doanh nghiệp và những người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này còn gặp không ít khó khăn do chưa có khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện về phương thức đầu tư cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể đến các cấp, ngành liên quan; quy trình đấu thầu chưa bảo đảm minh bạch, chưa tạo được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân… Thêm vào đó, đây là mô hình mới, việc lựa chọn áp dụng PPP cho dự án đặt ra một vấn đề với các cơ quan quản lý, bởi lẽ sử dụng mô hình này rất tốn kém cho giai đoạn chuẩn bị, nhất là việc soạn thảo dự án có chất lượng trong hồ sơ mời thầu.

Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường năng lực về hợp tác PPP cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư được cấp giấy phép. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020.

Bài, ảnh: Việt Anh (nguồn Báo Bắc Ninh)
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN