Tại TPHCM, tổng chiều dài mạng cấp nước (loại đường ống kính phi 100 trở lên) đến 3.100km. Việc súc rửa đường ống cấp nước nhằm góp phần đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phải thực hiện thường xuyên. Thế nhưng, sử dụng công nghệ gì để súc rửa đường ống vừa đạt kết quả cao lại tiết kiệm chi phí là yêu cầu luôn đặt ra đối với Sawaco.
Đầu ống lau chùi đường ống bằng công nghệ Polly-Pigs. |
Bắt đầu từ năm 2005, tình trạng nước sinh hoạt bị đục tại TPHCM đã diễn ra trên diện rộng và lặp đi lặp lại trong suốt thời gian dài, làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân thành phố. Vào thời điểm này, một trong những giải pháp chính mà Sawaco tập trung thực hiện nhằm giải quyết tình hình là súc rửa đường ống. Việc súc rửa đường ống trong giai đoạn này chủ yếu sử dụng những phương pháp truyền thống gồm: súc rửa dùng khí kết hợp với áp lực nước hoặc các phương pháp cơ khí kết hợp với hóa chất.
Để tránh tình trạng nước sinh hoạt tái đục do đường ống bị bám cặn, ban lãnh đạo của Sawaco đã có chủ trương đưa công tác súc rửa đường ống cấp nước vào thực hiện định kỳ. Sau chủ trương này, Sawaco đã lập đoàn đi nghiên cứu học và hỏi kinh nghiệm việc khắc phục tình trạng nước đục cũng như các phương pháp súc rửa đường ống nước ở các tỉnh trong nước và tại một số nước tiên tiến. Qua đó, từ kinh nghiệp thu thập được của đơn vị cấp nước ở thành phố Hải Phòng và như các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan… vào năm 2006, phương pháp lau chùi đường ống cấp nước bằng công nghệ Polly- Pigs đã được Sawaco ứng dụng.
Một lãnh đạo Sawaco phân tích, việc súc rửa đường ống bằng công nghệ Polly – Pigs mặc dù có những hạn chế nhất định như: khi súc rửa đòi hỏi áp lực nước trong đường ống phải cao; các miếng bọt chùi bị mòn rất nhiều; việc định vị các miếng chùi bị thất lạc trong đường ống rất khó khăn và tốn kém, chúng có thể bị vỡ thành nhiều mảnh làm ảnh hưởng đến đồng hồ của khách hàng.
Tuy nhiên, phương pháp súc rửa đường ống cấp nước bằng công nghệ này lại có nhiều ưu điểm mà các phương pháp truyền thống khác không có được. Đó là, chi phí đầu tư vừa phải, lau ống nhanh và lượng nước để súc rửa tốn ít hơn rất nhiều so với các công nghệ truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ này không yêu cầu tay nghề cao. Đó là chưa kể, với kiểu dáng thiết kế đầu nạo vét đa dụng, chúng được chế tạo bằng chất nhựa xốp cao cấp nên chịu được khi va đập mạnh phù hợp với mọi trường hợp cặn bám nhẹ trong đường ống (hoặc ống bị khảm nhẹ) đến trường hợp ống bị khảm nặng. Miếng chùi được chế tạo nhẹ có kích cỡ từ 5%-20% so với đường kính ống và có thể áp dụng cho đường ống dài đến 5km với vận tốc nước yêu cầu là 0,4-1m/s, áp lực nước yêu cầu là 4-5 bar.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy Nước Tân Hiệp, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Sawaco, tùy theo tính chất mỗi loại đường ống cần phải lau chùi (kích thước, mức độ bị nghẽn, chiều dài đường ống, áp lực nước từng khu vực…) sẽ có phương pháp phù hợp. Tại TPHCM, công nghệ súc rửa Polly – Pigs phù hợp khi thực hiện tại những khu vực tiếp nhận nguồn nước của Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa và Chi nhánh Cấp nước Thủ Đức (vì áp lực nước ở những khu vực này mạnh).
Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ lau chùi này đối với những đường ống mới thi công rất phù hợp và nó còn tiết kiệm được lượng nước súc rửa rất lớn. Từ 5 đến 10 năm nữa, mạng cấp nước tại TPHCM sẽ tăng gấp đôi để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Qua đó, Sawaco sẽ khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng loại công nghệ này để lau chùi đường ống sau khi thi công xong. Hiện nay, dụng cụ lau chùi này đã được gia công trong nước với giá rẻ hơn so với sản phẩm của nước ngoài sản xuất.
Theo SGGP Online