Ngành nhựa: Vừa xuất khẩu vừa run!

nganh-nhua-vua-xuat-khau-vua-run

(Thời báo Kinh Doanh) - Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đang chuẩn bị các thủ tục, tài liệu để cung cấp cho các cơ quan chức năng của Mỹ, phục vụ việc rà soát chi phí của các doanh nghiệp (DN) nhựa Việt Nam, khi chu kỳ áp thuế chống bán phá mặt hàng túi nhựa PE xuất xứ Việt Nam sẽ chấm dứt vào tháng 9/2014.

Nếu không chứng minh được tính hợp lý trong giá thành sản phẩm này (theo các quy định của Mỹ) thì mặt hàng túi nhựa PE của DN Việt Nam sẽ tiếp tục bị tính thuế chống bán phá giá rất cao (từ 52,3 - 76,11%) như từ năm 2009 đến nay, khi xuất khẩu (XK) sang Mỹ
Tăng trưởng ổn định
Theo VPA, chưa cần tính tới doanh số tại thị trường trong nước, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của các DN thuộc VPA trong năm 2013 đạt 2.215 tỷ USD. Trong đó, KNXK chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 407 triệu USD, tăng 25% về lượng và 57% về kim ngạch so với năm 2012.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm nhựa chiếm 1.808 tỷ USD. Theo hiệp hội, KNXK các sản phẩm nhựa đã tăng 13,3% so với năm 2012. Hiện, đã có hơn 20 chủng loại sản phẩm nhựa của Việt Nam XK thành công tới các thị trường trên thế giới. Có 6 loại sản phẩm đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trong năm 2013.
Tốc độ gia tăng XK của một số sản phẩm nhựa đạt khá cao, như túi nhựa tăng 27%, tượng nhỏ, chậu hoa và các đồ trang trí tăng 26,4%, đặc biệt là các sản phẩm ống và phụ kiện, nắp, mũ, van tăng tới 27,9% trong năm 2013.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm suốt hơn 10 năm qua của ngành Nhựa đã đạt mức từ 15 - 20%/ năm. Đồng thời, KNXK sản phẩm nhựa của Việt Nam đã tăng đều đặn từ 6 năm qua là một thực tế.
Thực tế nữa là hiện sản phẩm nhựa của Việt Nam đã có mặt gần như trên toàn thế giới, theo hiệp hội nhựa thì có 151 quốc gia, vùng lãnh thổ đã sử dụng các sản phẩm nhựa của Việt Nam, trong đó bao gồm cả các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản. Điều đó cho thấy trình độ công nghệ, chất lượng của ngành nhựa và các sản phẩm nhựa Việt Nam đã từng bước hình thành tính cạnh tranh cao.
Đó là những cơ sở để VPA tự tin vào dự báo tăng trưởng XK của ngành nhựa trong năm 2014 sẽ đạt mức từ 13,5 - 16,5% so với năm 2013.
Và, nếu như Nhật Bản là thị trường XK tăng trưởng ổn định nhất của các DN nhựa Việt Nam, thì việc Trung Quốc trở thành thị trường tiềm năng nhất lại gây ra nhiều ngạc nhiên.
Năm 2013, tổng KNXK sản phẩm nhựa của Việt Nam vào Trung Quốc ước đạt 279 triệu USD, chiếm 14% tổng KNXK của ngành và tăng 12,8% so với năm 2012. Dự kiến năm 2014, tăng trưởng XK nhựa Việt Nam vào Trung Quốc sẽ ở mức 14 - 16% so với năm 2013.
Mức tăng trưởng cao này sẽ kéo dài trong vài năm tới do bản thân ngành nhựa Trung Quốc đang phải thích nghi với thực tế chi phí sản xuất tăng mạnh ở trong nước. Và, sự độc quyền về nguồn nguyên liệu nhựa của Trung Quốc đang suy giảm do mức thuế với sản phẩm này có xuất xứ từ Đông Nam Á giảm về 0%.
Chưa có số thống kê chính thức, nhưng ước tính, có khoảng gần 2.000 DN hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam, đa phần (84%) tập trung ở khu vực phía Nam.

Nhựa Bình Minh là 1 trong 2 DN nắm tới trên 90% thị trường ống nhựa cả nước và XK

Nếu chia bình quân số DN này với tổng KNXK toàn ngành nhựa năm 2013 (2.215 tỷ USD) thì kim ngạch bình quân chỉ là khoảng trên 10 triệu USD/DN. Công thức chia bình quân này chỉ là tương đối, nhưng rõ ràng đã cho thấy giá trị XK các sản phẩm nhựa của Việt Nam là chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Số lượng DN đông nhưng do không chủ động về nguồn nguyên liệu, nên khả năng cạnh tranh giữa các DN bị suy giảm, thậm chí chỉ có thể tiến hành trên cơ sở tiết giảm chi phí sản xuất.
Khó gia tăng giá trị
Tình hình chung của ngành nhựa là đa số các DN phải vật lộn, cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại, chỉ có số ít DN đủ năng lực về công nghệ thị trường, nguồn vốn mới tìm được lối thoát để tồn tại.
Giai đoạn khủng hoảng vừa qua, có đến gần 400 DN ngành nhựa dừng hoạt động. Trong khi đó, chỉ 2 DN là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong đã nắm tới trên 90% thị trường ống nhựa cả nước và xuất khẩu. Tỷ lệ nhỏ bé còn lại của thị trường là do hàng chục nhà sản xuất ống khác chia sẻ và đó thực sự là hạn chế, hơn là điều đáng mừng.
Mặt khác, có đến hơn 90% DN ngành nhựa hiện hoạt động mà không chủ động được nguồn nguyên liệu, trong đó, nguyên liệu nhựa nhập khẩu chiếm đến trên 80%, nguyên liệu nhựa trong nước chủ yếu là tái sinh từ nhựa phế thải. Hiện, chi phí nguyên liệu chiếm 70 - 80% giá thành sản phẩm nhựa sản xuất tại Việt Nam.
Cả nước có 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa, công suất mỗi năm khoảng 250.000 tấn PVC và 150.000 tấn, chỉ bảo đảm được khoảng 15 - 20% nhu cầu nguyên liệu nhựa của các DN.
Nhập khẩu nhựa nguyên liệu của Việt Nam đã tăng đều qua hàng năm và đã đạt khoảng 4 tỷ USD trong năm 2013. Sự phụ thuộc này đã khiến giá bán sản phẩm nhựa của DN Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 10 - 15% và từ đó suy giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nhựa do Việt Nam sản xuất.
Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Công Thương xác định khuyến khích đầu tư sản xuất khuôn mẫu, phụ tùng, thiết bị cho ngành, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa.
Tuy nhiên, giải pháp mà bộ đưa ra là các dự án đầu tư cho nhóm ngành này cần được ưu đãi đầu tư như đối với ngành cơ khí trọng điểm, tức là được cho vay đến 85% tổng mức đầu tư.
Công nghiệp nguyên liệu nhựa phụ thuộc chặt chẽ vào công nghiệp hóa dầu. Khi công nghiệp hóa dầu chưa phát triển thì rất khó để công nghiệp nguyên liệu nhựa có cơ hội phát triển.
Mặt khác, công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam hiện đang phát triển tự phát, không có số liệu thống kê cụ thể và càng không có đánh giá công nghệ cụ thể, do vậy càng khó có thể đặt niềm tin vào nhóm các DN này như là giải pháp tối ưu giảm nhập khẩu và tự chủ nguyên liệu nhựa ngay từ trong nước.

Tư Hải

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN