Hướng dẫn mua ống chịu nhiệt PPR đúng chủng loại – đúng giá dành cho người tiêu dùng

huong-dan-mua-ong-chiu-nhiet-ppr-dung-chung-loai-dung-gia-danh-cho-nguoi-tieu-du

Nối tiếp bài viết hướng dẫn mua ống uPVC dành cho người tiêu dùng, hôm nay, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xây dựng Quốc Bảo xin được tiếp tục gửi đến bạn đọc một số thông tin cơ bản nhằm giúp mọi người mua được ống chịu nhiệt (ống nóng lạnh) PPR đúng chủng loại, đúng giá.

1. Thương hiệu
Trước tiên, về mặt thương hiệu, người tiêu dùng nên ưu tiên các thương hiệu uy tín – phổ biến trên thị trường (như Bình Minh, Phúc Hà – Dekko đối với hàng trong nước và VESBO, REHAU, Flowguard đối với hàng ngoại nhập). Việc chọn các thương hiệu lạ – ít phổ biến cần nhận được sự tư vấn từ người bán kết hợp với việc tự tra cứu thông tin trên mạng, hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có về chất lượng ống và hạt nhựa cấu thành, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt trong nhà/công trình.

2. Đặc điểm chung
Ống chịu nhiệt trên thế giới đang sử dụng song song các dạng vật liệu sau: PPR, CPVC, PEX, … Tuy nhiên, tại Việt Nam, phù hợp hơn cả là sử dụng ống chịu nhiệt làm bằng vật liệu PPR (dùng máy hàn nhiệt) hoặc CPVC (dùng keo dán – tương tự như cách thi công với nhựa uPVC). Ống làm bằng vật liệu PEX tuy cũng đã được ứng dụng vào VN khá sớm nhưng dần ít phổ biến do nhiều lý do khách quan.

Ống chịu nhiệt làm bằng nhựa PPR thường có nhiều màu sắc khác nhau, có thể thống kê như sau:
– Màu xanh nước biển: Bình Minh
– Màu xanh lá cây: Dekko
– Màu trắng sữa: VESBO
– Màu xám trắng: REHAU
– Màu đen (lớp ngoài) – xanh lá cây (lớp trong): VESBO (dòng ống chịu tia UV)
Trong đó, màu xanh lá cây và màu trắng sữa cũng thường được một số nhà sản xuất khác sử dụng nên người tiêu dùng cần kiểm chứng chữ in trên thân ống – phụ kiện để chắc chắn về sản phẩm mình mua về.

Ống chịu nhiệt làm bằng nhựa CPVC – Flowguard thường có màu vàng nhạt và nhiều người thường nhầm với phụ kiện bên điện. Ngoài ra, nhựa CPVC cao cấp chuyên dùng cho hóa chất và thực phẩm sẽ có dạng xám đen để phân biệt với nhựa CPVC thường. Nhựa CPVC có khả năng chịu nhiệt cao hơn so với PPR và thi công cũng dễ hơn, đặc biệt an toàn ở tính chất không duy trì sự cháy.

Vậy ngoài đặc điểm về màu sắc, việc phân biệt ống chịu nhiệt PPR nào tốt còn có thể dựa vào yếu tố nào? Về mặt kỹ thuật, việc sản xuất vật liệu nhựa PPR (cũng như bất kỳ vật liệu nhựa nào) dựa trên sự phối trộn các thành phần khác nhau theo những tỷ lệ nhất định. Trong các thành phần ấy, có thành phần “đắt tiền hơn” và có thành phần “rẻ tiền hơn”. Về cơ bản, các nhà sản xuất ống kém chất lượng thường tăng tỷ lệ thành phần rẻ tiền trong hỗn hợp phối trộn để đạt mục đích về giá cả – lợi nhuận. Việc làm này bản chất là lợi dụng các “dung sai” về tỷ lệ của các thành phần cấu thành vật liệu nhựa PPR, nhưng vẫn biểu hiện ra bên ngoài là các ống nhựa PPR kém chất lượng thường nhìn trông sáng sáng như nhựa gia dụng thông thường. Kết quả, sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng các loại ống kém chất lượng này cũng sẽ đi xuống theo khi sử dụng chúng làm ống cấp nước trong nhà.

3. Quy cách
Mỗi đường kính ống thường tương ứng với nhiều lựa chọn chiều dày (đi kèm với các cấp áp lực khác nhau). Và mỗi nhà sản xuất lại có số lượng các chiều dày khác nhau với mỗi đường kính ống. Ví dụ, Nhựa Bình Minh hiện chỉ cung cấp ống PPR 20 (phân biệt với cách ghi DN20) ứng với 2 chiều dày là 3,4 mm (ống nóng – PN 20) và 1,9 mm (ống lạnh – PN 10); Phúc Hà – Dekko thì cung cấp 3 lựa chọn chiều dày là 4,1 mm (ống nóng – PN 25), 3,4 mm (ống nóng – PN 20) và 2,3 mm (ống lạnh – PN 10). Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn cung cấp ra thị trường ống PPR 20 có chiều dày 2,8 mm (ống nóng lạnh – PN 16).
Tóm lại, ngoại trừ các trường hợp người thiết kế/thi công đánh giá được mức độ chiều dày nào là phù hợp với tình huống thực tế, người tiêu dùng mua ống PPR xây nhà nên ưu tiên chọn các chiều dày ứng với cấp áp lực PN 20 (đối với ống nóng) và PN 10 (đối với ống lạnh). Dưới đây, chúng tôi gửi đến bạn đọc một số quy cách ống PPR được sử dụng phổ biến trong thực tế:
.Ống 20 lạnh -> Ống PPR 20×2,3 (1,9 mm đối với Nhựa Bình Minh) – PN 10
.Ống 20 nóng -> Ống PPR 20×3,4 – PN 20
.Ống 25 lạnh -> Ống PPR 25×2,3 – PN 10
.Ống 25 nóng -> Ống PPR 25×4,2 – PN 20
.Ống 32 lạnh -> Ống PPR 32×2,9 – PN 10
.Ống 32 nóng -> Ống PPR 32×5,4 – PN 20

Các đường kính – chiều dày ống chúng tôi liệt kê ở trên được gọi là loại thường bán. Ví dụ như khi người khách hàng vào cửa hàng chúng tôi hỏi mua một cây ống 20 nóng, chúng tôi sẽ mặc định giao cho khách cỡ ống PPR 20×3,4 ở trên. Chỉ khi có yêu cầu cấp áp lực PN 16 hoặc PN 25, chúng tôi sẽ trao đổi với khách kỹ hơn để giao ống PPR 20×2,8 hoặc 20×4,1 (2 lựa chọn ít phổ biến hơn).

Việc nắm các chiều dày cơ bản ở trên chắc chắn sẽ giúp bạn đọc mua được đúng chủng loại – đúng giá ứng với loại ống mình cần (sự so sánh giá nên dựa theo trình tự Thương hiệu – Phân khúc – Đường kính – Chiều dày – Cấp áp lực). Quý bạn đọc còn băn khoăn về điều gì có thể liên hệ với cửa hàng chúng tôi hoặc gọi trực tiếp vào số 01683.666.111 (gặp chị Ngọc) để được giải đáp chi tiết, chắc chắn mọi người sẽ nhận được sự tư vấn hợp lý nhất. Chúc bạn đọc mua được vật tư nước ưng ý.