Nhựa Bình Minh & Tiền Phong: Cuộc chiến voi - hổ

nhua-binh-minh-tien-phong-cuoc-chien-voi-ho

Khẳng định không cạnh tranh với Nhựa Bình Minh, nhưng Nhựa Tiền Phong lại đang có nhiều động thái so kè, để trong tương lai sẽ là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.

NTP đang tập trung vốn cho sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn
NTP đang tập trung vốn cho sản xuất ống nhựa HDPE cỡ lớn

Hoãn binh “trận chiến” miền Trung

Vài năm trở lại đây, hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nhựa Việt Nam là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) trấn giữ thị trường miền Nam và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) trấn giữ miền Bắc đã dồn sức công phá thị trường miền Trung.

Tháng 9/2013, một thành viên của NTP là Công ty TNHH Nhựa Tiền Phong miền Trung đã khánh thành nhà máy sản xuất ống nhựa tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An) và đạt doanh thu 37,5 tỷ đồng. Từ năm 2014 trở đi, nhà máy này sẽ hoạt động hết công suất để tận dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của khu kinh tế.

Theo NTP, năm nay, cạnh tranh trên thị trường nhựa sẽ rất quyết liệt, do cung cao hơn cầu, Công ty đặt kế hoạch sản lượng bán hàng 52.500 tấn, tăng 8% so với năm 2013 (Nhà máy Nhựa Tiền Phong Hải Phòng sản xuất 42.300 tấn, Nhà máy Nhựa Tiền Phong miền Trung sản xuất 10.200 tấn), với doanh thu kế hoạch 2.650 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế 393 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013.

Trong khi đó, BMP mua lại Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) với tỷ lệ sở hữu 29% và thiết lập thêm các hệ thống phân phối ở khu vực này. Thậm chí, BMP còn nuôi ý định mua lại thêm 15% cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để nắm chi phối tại đây và tái cấu trúc doanh nghiệp này thành cứ điểm sản xuất và phân phối của BMP tại miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Những động thái trên khiến giới phân tích thị trường cho rằng, cuộc chiến giữa hai “át chủ bài” của ngành nhựa sẽ tập trung mạnh ở khu vực miền trung.

Tuy nhiên, nhận thấy cơ sở sản xuất, hệ thống phân phối và danh mục sản phẩm của DPC không như kỳ vọng, nên BMP quyết định dừng việc chào mua tiếp 15% cổ phần của DPC. Hiện ngoài kế hoạch thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng, BMP vẫn tạm giữ kế “hoãn binh” trong bước tiến của mình ra thị trường miền Trung.

Như vậy, trận chiến sẽ lại trở về thị trường miền Bắc và miền Nam.

Đối với BMP, kế hoạch Bắc tiến của BMP vẫn còn gian nan, vì đây là cứ điểm của NTP. Không những thế, mặt bằng chiết khấu ở thị trường miền Bắc cao hơn rất nhiều so với miền Nam, do tập quán kinh doanh và do chính sách phát triển hoa hồng của NTP trong 2 năm gần đây.

Ngược lại, dù miền Bắc là đại bản doanh, nhưng NTP lại đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ đối thủ ngoại. Năm 2013, nhiều đối thủ trước đây chỉ sản xuất một mặt hàng là ống nhựa chịu nhiệt, nhưng hiện họ thay đổi chiến lược và đầu tư sản xuất cả ống HDPE và PVC.

NTP cho rằng, thị trường miền Nam dù có cạnh tranh, nhưng vẫn ổn định hơn, do có sự phân chia vùng miền với phân khúc rõ nét.

Hiện Công ty cổ phần Nhựa Tiền phong miền Nam hoạt động ở Bình Dương từ năm 2009 đã bắt đầu có lãi (năm 2012 đạt lợi nhuận 27 tỷ đồng, năm 2013 là 34 tỷ đồng). Mục tiêu của NTP là đến năm 2016, sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần phía Nam. Đặc biệt, NTP đang lên phương án nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong miền Nam lên 60%. Cách đây 2 năm, NTP giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 51% xuống 37%, vì muốn tập trung vào thị trường miền Trung.

Tăng tốc đầu tư ống HDPE khủng

Dự án Đường ống dẫn nước từ Sông Đà - Hòa Bình về Hà Nội của Vinaconex đã vỡ 6 lần kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2009 (lần gần đây nhất là ngày 26/4/2014), do sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đã gây thiệt hại đáng kể.

Theo nhận định của NTP, loại ống mà Vinaconex đang sử dụng không bền, xu hướng là chuyển sang ống HDPE. Ở Việt Nam, hiện chủng loại ống lớn nhất là DN1200 (BMP và NTP đều có một dây chuyền). Còn ống trên 1.200 mm, thì Việt Nam chưa có, trong khi nhu cầu đđối với loại ống này ngày càng gia tăng.

Hiện các dự án hạ tầng lớn mà các nhà sản xuất nhựa Việt Nam tham gia đấu thầu đều phải dùng ống nhựa HDPE cỡ lớn của Anh, Đức, Hàn Quốc để chào hàng. Giá các loại ống này cao gấp 2-3 lần giá gốc, trong khi lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc.

Đón đầu phân khúc thị trường này, NTP quyết định lên kế hoạch đầu tư dự án để sản xuất ống nhựa HDPE cỡ khủng. NTP dự kiến đầu tư 100 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất ống HDPE DN1.400 - DN2.000 và 50 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất ống HDPE 2 vách DN200-DN800.

Ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc NTP cho hay, so với BMP, NTP đang thực hiện chiến lược lùi một bước, tiến hai bước. Việc đầu tư dài hạn có độ trễ khiến doanh thu và lợi nhuận chưa tăng trưởng theo, nhưng về dài hạn, đây là một chiến lược đúng. Năng lực sản xuất thông qua các dự án đã gần hoàn thành của NTP thì mọi người đã thấy, trong khi BMP hiện mới bắt đầu tiến hành mở rộng đầu tư.

Có thể sáp nhập “voi” và “hổ”

Trong khi cuộc rượt đuổi cạnh tranh của NTP và BMP được thị trường nhìn nhận như cuộc chiến giữa “voi” và “hổ” với độ gay cấn ngày càng cao, thì câu chuyện sáp nhập họ thành một công ty lớn độc quyền trong ngành lại được xới lên.

Các cổ đông đang lo lắng về quyền lợi của mình khi NTP và BMP ở hai chiến tuyến, trong khi lại có nhiều điểm giống nhau, nhất là có chung các cổ đông lớn. Hiện SCIC và Công ty Nawaplastic Industries (Thái Lan) đều là cổ đông lớn nhất của NTP và BMP. Nawaplastic đang sở hữu 23,84% cổ phần NTP và 20,38% cổ phần BMP. Nawaplastic cũng cho biết, sẵn sàng nắm giữ tới 49% cổ phần của hai công ty này.

Ông Nguyễn Chí Thành, đại diện vốn của SCIC tại NTP cho hay, cách đây 4 năm, SCIC đã nghiên cứu phương án này. Trong đề án tái cơ cấu ngành nhựa mà SCIC và Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ thời gian tới, SCIC sẽ đề cập vấn đề này. Song ông Thành khẳng định, phải có một đề án đầy đủ về việc sáp nhập, chứ chưa thể trả lời có hay không.

Còn Chủ tịch NTP lại động viên tinh thần các cổ đông rằng, hai bên có cạnh tranh, nhưng không đối đầu. “Chúng tôi đã có những ứng xử phù hợp để tránh đối đầu nhau thông qua những đường lối phát triển riêng, vì nếu đối đầu, sẽ bất lợi cho cả 2 phía”, vị Chủ tịch HĐQT NTP nói.

Tuy nhiên, NTP khẳng định, sẽ làm hết sức mình để trong tương lai không xa, NTP sẽ là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.

Theo Đầu tư

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN